Qua đời và tang lễ Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng

Qua đời và tẩm liệm

Thi thể HY Phạm Đình Tụng

Hồng y Phạm Đình Tụng qua đời vào lúc 10 giờ sáng ngày 22 tháng 2 năm 2009, thọ 90 tuổi.[22] Lúc 5 giờ chiều cùng ngày, các nhà thờ trong tổng giáo phận Hà Nội đã đồng loạt đánh chuông tang. Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt cử hành nghi thức làm phép thi hài cố Hồng y tại Nhà Nguyện tòa Tổng Giám mục. Lúc 7 giờ sáng ngày 23 tháng 2 đã diễn ra nghi thức tẩm liệm. Một giờ sau đó, lễ phát tang tại Nhà thờ Lớn Hà Nội được tổ chức và giáo dân bắt đầu đến viếng thi hài cố Hồng y.[1]

Hoạt động trước tang lễ

Hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội đồng giám mục Việt Nam, các giám mục của các giáo phận tại Việt Nam, linh mục Jean-Baptiste Etcharren, Bề trên Tổng quyền Hội thừa sai Paris và các tu sĩ bề trên các dòng và linh mục, tu sĩ, chủng sinh, giáo dân trong và ngoài nước đã gửi điện văn hoa phúng viếng, cử hành thánh lễ Công giáo, đọc kinh cầu nguyện cho cố Hồng y Phạm Đình Tụng liên tục đến tận nửa đêm ngày 25 và rạng sáng 26 tháng 2 năm 2009 bên linh cữu cố hồng y .[5]

Cũng trong khoảng thời gian này, các phái đoàn ngoại giao tại Hà Nội, chính quyền thành phố Hà Nội, đông đảo đại diện các tôn giáo bạn cũng đã đến viếng ông, phân ưu với Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt và giáo phận Hà Nội:[5] Chiều 23 tháng 2, đoàn đại biểu Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội do Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Đào Văn Bình dẫn đầu đã đến viếng ông tại Nhà thờ Lớn Hà Nội. Ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã gửi vòng hoa viếng. Cùng ngày, đoàn đại biểu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội và Ban Tôn giáo Thành phố đã đến viếng thi hài cố Hồng y Phạm Đình Tụng.

Thư chia buồn của Giáo hoàng

Nhận được tin hồng y Phạm Đình Tụng qua đời, Giáo hoàng Biển Đức XVI đã gửi điện văn chia buồn với Tổng Giáo phận Hà Nội, cách riêng với Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt:[1]

Tôi đau buồn hay tin Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Tổng Giám mục Hà Nội, Vị Tiền nhiệm của Đức Cha, qua đời, tôi muốn bày tỏ sự hiệp thông nồng nhiệt của tôi trong kinh nguyện với toàn thể các Giám mục Việt Nam, tất cả các tín hữu thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội và toàn quốc, cũng như gia đình Đức Cố Hồng y và những người có liên hệ với cái tang này. Tôi cầu xin Chúa là Cha, nguồn mạch mọi tình thương xót, đón nhận vị Mục Tử trổi vượt này vào bên Ngài, trong an bình và ánh sáng nơi Chúa. Đức Cố Hồng y đã phục vụ Giáo hội trong những hoàn cảnh khó khăn với lòng can đảm lớn lao và trong niềm quảng đại trung thành với Tòa Thánh Phêrô, xả thân tận tụy rao giảng Tin Mừng. Như bảo chứng niềm an ủi, tôi thành tâm ban Phép Lành Tòa Thánh cho Đức Cha, Đức Cha Phụ Tá, các Giám mục Việt Nam, các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội, cũng như thân nhân của Đức Cố Hồng y và những người tham dự lễ an táng.

Thánh lễ an táng

Thánh lễ an táng cố hồng y Phạm Đình Tụng do Hồng y – Tổng giám mục Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn chủ sự. Hồng y Mẫn được Giáo hoàng Biển Đức XVI cử làm đặc sứ đại diện Tòa Thánh chủ tọa thánh lễ an táng tổ chức vào ngày 26 tháng 2. Ðúng 9 giờ sáng, đoàn đồng tế gồm Hồng y Phạm Minh Mẫn, Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt, Giám mục Nguyễn Văn Nhơn và các giám mục, linh mục đến từ 26 giáo phận và các dòng tu tại Việt Nam. Tahm dự lễ tang có đông đảo giáo dân đứng chật các con đường trong khu vực Nhà thờ chính tòa như nhà thờ, Nhà Chung, Lý Quốc Sư, sân trước Văn phòng giáo xứ chính tòa, đường kiệu chung quanh nhà thờ,...[5] Linh mục Nguyễn Văn Thật, một trong những người tham dự thánh lễ an táng cho rằng có khoảng 300 linh mục tham gia đồng tế và ước chừng 20.000 giáo dân tham gia.[23] Nguồn tin từ báo Asia News cho rằng số người tham dự tang lễ cố hồng y Phạm Đình Tụng ít nhất là 30.000 người và khoảng 500 linh mục tham gia đồng tế. Tất cả các người tham dự đều đeo băng tang trắng. Tang lễ cũng có sự tham dự của đại diện chính phủ và các tôn giáo khác, các đại diện ngoại giao của Đại sứ quán Mỹ, cộng đồng người Hàn Quốc, và các cơ quan đại diện nước ngoài của Paris.[24]

Thi hài hồng y Phạm Đình Tụng được an táng trong cung lòng nhà thờ Chính Toà Hà Nội.[1]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/story/2009/0... http://www.catholic-pages.com/hierarchy/cardinals_... http://www.giadinhbacninh.com/ http://www.simonhoadalat.com/GIAOHOI/Nam2010/Thang... http://conggiao.info/nhung-dot-truyen-chuc-trong-a... http://www.asianews.it/news-en/Cardinal-Pham-Dinh-... http://www.vietcatholic.net/News/Html/67827.htm http://www.catholic-hierarchy.org/bishop/bphdt.htm... http://www.gcatholic.org/dioceses/diocese/bacn0.ht... http://www.gcatholic.org/dioceses/diocese/hano0.ht...